Đề án dạy ngoại ngữ gần 10.000 tỉ không thể làm khơi khơi!

TTO – Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” đã ngốn một khoản kinh phí khổng lồ trong giai đoạn 1 mà không đạt được kết quả như mong muốn…

Đề án dạy ngoại ngữ gần 10.000 tỉ không thể làm khơi khơi!
Phụ huynh đón học sinh ra về sau giờ tan học tại một trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” đã ngốn một khoản kinh phí khổng lồ trong giai đoạn 1 mà không đạt được kết quả như mong muốn. Dư luận đang lo lắng tình trạng này sẽ tái diễn ở giai đoạn 2 (2016 – 2020).

Ông Cao Huy Thảo, nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt – Úc (TP.HCM), cho rằng: “Điều kiện dạy học, trình độ giáo viên, nhu cầu học tiếng Anh của học sinh ở mỗi tỉnh, thành mỗi khác nhau, nhưng đề án lại triển khai theo kiểu “dàn hàng ngang mà tiến” cho 63 tỉnh, thành.

Có bao giờ các cấp quản lý nhìn nhận một điều: việc dạy tiếng Anh trong trường phổ thông tốn rất nhiều kinh phí, từ việc đào tạo – bồi dưỡng giáo viên đến mua sắm trang thiết bị dạy học, nhưng xã hội vẫn đánh giá không thành công. Còn bên ngoài trường phổ thông thì các trung tâm ngoại ngữ vẫn mọc lên như nấm và phát triển mạnh mẽ…”.

Sợ… tiếng Anh đề án

Về vấn đề này, cô M. – giáo viên dạy tiếng Anh bậc THCS đồng thời là phụ huynh có con đang học lớp 3 ở TP.HCM – cho biết: “Bé nhà tôi bắt buộc phải chọn học tiếng Anh đề án ở trường tiểu học dù tôi không thích. Bởi tôi biết học sẽ không hiệu quả: sĩ số học sinh ở lớp chính khóa tới 49 bé thì học tiếng Anh cũng giữ nguyên như vậy. Làm sao học ngoại ngữ tốt được? Còn giáo viên thì giáo viên giỏi được ưu tiên dạy lớp tiếng Anh tăng cường, những giáo viên còn lại sẽ dạy lớp tiếng Anh đề án. Thế nên tôi phải cho con đến trung tâm học thêm tiếng Anh vào thứ bảy, chủ nhật”.

Cô M. kể cô từng lên gặp hiệu trưởng trường tiểu học của con xin cho con không học tiếng Anh trong trường, nhưng không được chấp nhận.

“Nhiều người cho rằng cho trẻ đi học nhiều không bổ dọc cũng bổ ngang. Nhưng tôi là người trong nghề, tôi vẫn ước giá như con mình không phải học lớp tiếng Anh đề án sẽ tốt hơn. Vì môn ngoại ngữ có đặc thù riêng của nó. Bé học trong trường với giáo viên người Việt phát âm một kiểu, khi đến trung tâm học với giáo viên người nước ngoài phát âm một kiểu khác – rất khổ. Lý do là giáo viên người Việt của ta chưa đạt chuẩn nhưng vẫn được tuyển dụng ồ ạt vì thành phố rất thiếu giáo viên tiếng Anh”.

Thừa nhận vấn đề trên, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM thông tin: “Mặc dù chương trình tiếng Anh đề án không phải đóng học phí (nếu học tiếng Anh với phần mềm hoặc học với giáo viên bản ngữ mới đóng học phí – PV), nhưng đa số phụ huynh đều muốn cho con em mình được học chương trình tiếng Anh tăng cường. Một số phụ huynh khá giả đăng ký cho con em chương trình tích hợp. Chỉ với những trường hợp học sinh nghèo hoặc học sinh không được chọn lựa (học sinh học trái tuyến) mới chấp nhận học chương trình tiếng Anh đề án”.

Như vậy ngay ở thành phố năng động nhất nước, thành phố có rất đông phụ huynh, học sinh có nhu cầu học tiếng Anh thì chương trình tiếng Anh đề án đã không được đón nhận nồng nhiệt.

Cũng theo hiệu trưởng trên: “Ở TP.HCM, việc tuyển giáo viên tiếng Anh rất khó khăn do lương thấp, ít người chịu làm. Ngoài ra, việc giữ giáo viên giỏi càng khó khăn hơn. Nhiều trường hợp giáo viên mới tốt nghiệp được nhận về trường, chúng tôi bồi dưỡng – đào tạo lại, được vài năm là họ chuyển việc, không đi dạy nữa. Trường mở lớp tiếng Anh đề án nhưng không được thu phí nên rất khó khăn trong việc trả lương cho giáo viên. Bên cạnh đó, tâm lý giáo viên cũng bị ảnh hưởng vì họ dạy lớp tiếng Anh tăng cường thì thu nhập sẽ cao hơn”.

Cần nghiêm túc nhìn lại

Theo TS Nguyễn Minh Hồng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: “Đề án đã triển khai chậm, không đồng bộ. Có những kế hoạch được đưa ra gần sát với thời gian bắt buộc hoàn thành, dẫn tới triển khai chậm hoặc không đủ chiều sâu, chiều rộng, thiếu khâu kiểm tra sát sao, kiểm tra chéo. Các nhiệm vụ của đề án qua từng năm thiếu tính kế thừa và thống nhất, dẫn tới việc mỗi năm thực hiện một nhiệm vụ khác nhau, rời rạc, chưa có sự liên tục.

Các chương trình đào tạo chậm đổi mới. Chương trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực còn chưa kịp thời. Đề án tỏ ra lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình bồi dưỡng giáo viên, sinh viên để đạt chuẩn và nâng cao năng lực ngôn ngữ. Việc sử dụng, khai thác trang thiết bị sẵn có hoặc do đề án cung cấp bị hạn chế.

Đề án chưa có cơ chế cho các trường tự chọn chương trình, sách giáo khoa phù hợp với đối tượng học sinh. Chương trình, sách giáo khoa, việc tổ chức kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ ở cấp phổ thông còn nhiều bất cập”.

Do đó, ông Cao Huy Thảo đề xuất: “Bộ GD-ĐT cần tổ chức tổng kết giai đoạn 1 của đề án một cách nghiêm túc. Trong đó phải nêu ra được những mặt được và chưa được. Chưa được là do đâu, yếu kém ở khâu nào, trách nhiệm do ai. Sau đó, Bộ GD-ĐT nên mời các chuyên gia góp ý để giai đoạn 2 không đi lại “vết xe đổ” của giai đoạn 1. Bởi kinh phí cho đề án là rất lớn, không thể làm khơi khơi được”.

Tương tự, TS Đoàn Huệ Dung – chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh TP.HCM, trưởng khoa ngoại ngữ – sư phạm Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – nêu ý kiến: “Không nên vội vàng chi kinh phí tiếp tục cho giai đoạn 2, mà ban quản lý đề án cần có sự đánh giá lại một cách khách quan: kinh phí đã được chi cho những hạng mục nào, hiệu quả của mỗi hạng mục ra sao (ví dụ: bao nhiêu tiền được chi cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học, các đơn vị đã sử dụng nó đúng mục đích chưa, sắm rồi có sử dụng không, hiệu quả sử dụng như thế nào…). Từ đó sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm và tìm một hướng đi phù hợp hơn cho giai đoạn 2 của đề án”.

TS Phạm Văn Hùng (giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên – Huế):

Cần quy định phù hợp 
với mỗi vùng miền

Nên chỉ đạo dạy học ngoại ngữ phù hợp với điều kiện từng vùng miền, tăng sự lựa chọn cho các sở GD-ĐT bằng việc mở rộng khung, chuẩn, mở rộng các quy định, yêu cầu tổ chức dạy học để các tỉnh có thể thực hiện và đạt hiệu quả. Việc đổi mới dạy học, thi, kiểm tra đánh giá ngoại ngữ phải được gắn liền với những thay đổi của nhiều quy định về cơ chế chính sách như: quy định tuyển dụng giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình tiếng Anh mới, quy định về tài chính cho việc kiểm tra đánh giá 4 kỹ năng, quy định bồi dưỡng, chuẩn hóa năng lực đội ngũ giảng viên ở đại học…

TS Đỗ Tuấn Minh (hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội):

Việc bồi dưỡng giáo viên 
phải thay đổi

Công tác bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ là việc cần chú trọng hàng đầu của đề án 2020. Nhưng các năm qua việc này để xảy ra nhiều bất cập. Các chương trình bồi dưỡng giáo viên chưa thường xuyên, liên tục, nội dung dàn trải, không có tính thống nhất, liên thông.

Chất lượng bồi dưỡng giáo viên không đồng đều giữa các địa phương do thiếu sự giám sát chặt chẽ, trong khi nhiều trung tâm thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên không thật sự quan tâm đến chất lượng. Đây là những hạn chế khiến “khâu cần ưu tiên hàng đầu” này chưa được thực hiện hiệu quả.

Để cải thiện cho giai đoạn tiếp theo, trước hết cần phải khắc phục những điểm yếu của giai đoạn trước. Cần xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên có tính thống nhất, liên tục, hình thức học đa dạng, đáp ứng với các điều kiện thực tế khác nhau. Việc bồi dưỡng phải có tính ứng dụng thực tế.

Có nghĩa là nội dung bồi dưỡng phải bám sát nhu cầu thực tế, đề xuất của người học, không áp đặt từ trên xuống, phải có tính thiết thực giúp giáo viên nâng trình độ và ứng dụng vào việc dạy học.

Để nâng chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng các mục tiêu của đề án, bên cạnh đầu tư cho các trung tâm bồi dưỡng giáo viên, cần khẩn trương xây dựng các trung tâm khảo thí ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế, các trung tâm học liệu. Các trung tâm này phải độc lập với nhau nhưng cùng hướng tới mục đích chung.